Chổi đót
Nhộn nhịp làng nghề
Về Lệ Bình những ngày này mới thấy hết không khí rộn ràng của làng nghề. Từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh tượng người người quây quần bên hiên nhà làm chổi đót. Theo ông Lê Văn Tâm, Bí thư chi bộ thôn Lệ Bình, nghề làm chổi đót xuất hiện ở địa phương khoảng trước năm 1985 và người có công đưa nghề về làng là bà Lê Thị Lan (sinh năm 1956, tại Bình Minh, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh), con dâu của làng.
Năm 1984, theo yêu cầu của hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp địa phương, bà được học nghề làm chổi đót và trực tiếp đi tới các làng, các xã để truyền đạt nghề cho nông dân. Làng Lệ Bình là một trong những nơi bà đặt chân đến để truyền nghề.
Và như cái duyên trời định, bà đã tìm thấy “một nửa” của mình tại đây. Để rồi từ đó, người phụ nữ chân chất, giàu lòng nhân hậu, nhiệt huyết với nghề ấy lại gắn bó với mảnh đất Lệ Bình như quê hương thứ hai của mình. Bà không ngần ngại truyền đạt mọi bí quyết làm nghề cho người dân địa phương.
Từ thời trẻ cho đến bây giờ, bà vẫn say sưa chỉ bảo ngọn ngành từng đường kim, mũi chỉ với mong muốn cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện, không còn ai phải chịu cảnh nghèo. Và thực tế, hiện nay, ở Lệ Bình, rất nhiều hộ dân nhờ làm chổi đót đã vượt qua được cơn bĩ cực, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Mặc dù là một nghề phụ, nhưng làm chổi đót đã thu hút mọi lứa tuổi lao động ở địa phương. Hễ cứ xong mùa vụ là nhà nhà bày đót ra làm chổi. Ngoài nghề làm ruộng thì làm chổi đót là nghề phụ, tạo thêm thu nhập cho bà con.
Theo những người đã gắn bó với nghề nhiều năm, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh không hề đơn giản. Có dịp về Lệ Bình, tận mắt chứng kiến những người thợ nơi đây làm nghề mới thấy hết sự kỳ công, tỉ mỉ của công việc này. Mỗi sản phẩm được hoàn tất tính sơ sơ cũng phải qua trên dưới chục công đoạn nhỏ và 3 công đoạn lớn.
Công đoạn thứ nhất là tước đót, phân loại và buộc lại thành nắm đường kính khoảng 4-5 cm. Người đan lấy từng que đót đã khô, dùng tay tước những que nhỏ hai bên (còn gọi là ché) cho đến khi được một que đót có ngọn dài khoảng 40-50 cm, thân que đót dài khoảng 1m (nếu làm đót có đuôi dài). Đồng thời, người đan phân loại theo màu sắc (xanh, vàng) và theo độ dài ngắn của ngọn đót.
Công đoạn thứ hai là vấn cổ đót và thân cán (đuôi chổi). Sau công đoạn thứ nhất, người đan vấn cổ đót bằng dây cước, dùng một chiếc dùi sắt nhọn dùi xuyên thủng qua thân đót cách ngọn đót khoảng 1-2cm, xâu cước vào rồi vấn từ 5-6 vòng và giấu múi vào bên trong thân đót.
Tiếp theo là vấn thân đót (đuôi chổi): chia thân đót (kể từ cổ đót) làm 4 phần đều nhau, sau đó vấn thắt từng phần bằng dây cước và giấu múi. Công đoạn cuối cùng là xòe và đan tít. Sau khi thực hiện xong hai công đoạn đầu tiên, người ta dùng tay bẻ 1/2 bụng và một phần lưng rồi san đều trên bàn xòe bằng gỗ, sau đó kẹp lại cho chắc chắn.
Tiếp đến, dùng dây lác bện tít ba đường vòng cung. Từ những cây đót khẳng khiu qua đôi bàn tay chai sần vì cầm cuốc, cầm cày, quanh năm quen việc đồng áng của người dân nơi biến thành những cây chổi chắc chắn, hữu ích.
Hiện nay, ở Lệ Bình có khoảng hơn 30/110 hộ với gần 100 lao động làm nghề chổi đót. Vốn không “kén” thợ nên từ đàn ông, phụ nữ, thanh niên, người già cho đến trẻ nhỏ đều có thể tham gia công việc làm chổi. Dựa vào đặc thù công việc mà mỗi người đảm nhận một công đoạn.
Cứ hễ rời tay cày, tay cuốc là họ lại quây quần làm chổi. Gắn bó từ bao đời với cây đót bằng tình yêu với nghề truyền thống nên dường như nghề làm chổi đã không “phụ lòng” những người dân quê nghèo. Nhiều hộ gia đình nhờ giỏi nghề, chuyên cần mà đã vượt lên đói nghèo, nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng.
Chị Nguyễn Thị Hoài, người gắn bó trên 20 năm với nghề làm chổi đót bày tỏ: “Một người thợ lành nghề, trung bình một ngày làm được 15-20 cái chổi. Với mức lãi 5 ngàn đồng/cái thì bình quân mỗi ngày sẽ thu được 75-100 ngàn đồng. Số tiền này sẽ tăng lên nếu mỗi hộ có từ 2 người làm trở lên. Đây là nguồn thu đáng kể của các hộ làm nghề như chúng tôi. Nhờ đó cuộc sống cũng dần khấm khá hơn”.
Cần hướng đi bền vững
Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, nghề làm chổi đót ở Lệ Bình vẫn được duy trì, phát triển cho đến ngày hôm nay, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương những lúc nông nhàn, rảnh rỗi, giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nghề chổi đót vẫn rất cần có kế sách, hướng đi phù hợp, lâu dài, bởi hiện tại, nghề đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn đầu tiên chính là vấn đề nguyên liệu. Nếu như trước đây nguyên liệu khá dồi dào, có thể tìm mua ở nhiều vùng trong tỉnh, thì hiện nay việc tìm nguyên liệu không phải là chuyện dễ, nhiều người phải đi mua tận các tỉnh khác, như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, do đó giá nguyên liệu ngày một tăng.
Ông Trần Công Anh nhớ lại, mấy năm trước, nguồn cây đót phía rừng của xã Kim Thủy, Ngân Thủy nhiều vô kể, song qua thời gian khai thác, dần dà loại cây này ít đi, chỉ có thể đung để sản xuất quy mô nhỏ. Người làm chổi phải tất bật cả tháng trời để tìm nguyên liệu cho một năm. Ngay đến việc mua đót ở các tỉnh khác cũng không phải là việc dễ. Bởi vậy, trăn trở lớn nhất của người làm nghề chổi đót ở Lệ Bình là bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
Một khó khăn nữa mà Lệ Bình cũng như nhiều làng nghề khác ở tỉnh ta đang gặp phải, chính là quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, sản phẩm của làng chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, chủ yếu là TP. Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Những năm trở lại đây, nhờ đầu tư khâu kỹ thuật nên chất lượng chổi đót đã có nhiều cải tiến đáng kể, tuy nhiên, sản phẩm của làng nghề vẫn chưa thực sự tạo được dấu ấn riêng trên thị trường do khâu quảng bá chưa được chú trọng. Kéo theo đó, sức cạnh tranh với sản phẩm của các làng nghề khác yếu, giá thành sản phẩm bị hạ thấp hơn.
Vì vậy, để phát triển được nghề, bên cạnh việc hoạch định một kế hoạch phát triển hợp lý, dài hơi, người làm nghề ở Lệ Bình rất cần tạo điều kiện để vay vốn với lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài hơn. Hiện tại, địa phương đang lên kế hoạch thành lập một tổ hợp tác làng nghề tập trung để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc chuẩn bị nguyên liệu, thu mua sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Hy vọng tổ hợp tác sẽ sớm được thành lập, đi vào hoạt động hiệu quả để thúc đẩy làng nghề ngày càng phát triển.