Rượu Tuy Lộc
Lộc Thủy, Lệ ThủyHuyện Lệ ThủyQuảng Bình

Rượu ở làng Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình (cách nhà Đại Tướng Võ Nguyên Giáp 5km), địa thế của làng này nổi tiếng bởi sông Kiến Giang, cách đây gần 500 năm, Ô châu Cận Lục của Dương Văn An có đề cập Tuy Lộc có nhiều rượu ngon, nhờ vào nước sông Bình Giang (Kiến Giang) ở làng Tuy.

Một hư cấu của dân gian ở làng này cũng cho thấy điều đó: "Có một gia đình ở xã khác muốn học nghề nấu rượu, nên cho con trai của mình sang lấy vợ ở làng Tuy Lộc, mới về làm dâu, cha mẹ chồng đã sắm cho cô gái một lò rượu, nấu mãi mà rượu chẳng ngon bằng rượu mà cô đã nấu ở bên Tuy Lộc, cô về khóc với mẹ mình, rồi cô được một lời khuyên là Con hãy lấy nước sông Kiến Giang mà nấu thì rượu sẽ ngon, quả thật là như vậy, cô đã thành công nhờ lấy nước sông Kiến Giang ở làng mình để nẩu rượu cho nhà chồng”.

Muốn rượu ngon và trong thì người ta dùng loại gạo Việt Nam hoặc X21 được xát kỹ, gạo càng trắng thì rượu càng ngon. Công đoạn làm rượu rất công phu, phải qua ít nhất 07 công đoạn, gồm có chọn gạo, nấu cơm, ủ lên men, trộn nước, nấu rượu, lọc, đóng chai. Các bước nấu rượu theo trình tự: Gạo nấu chín, được đảo rời từng hạt không dính lẫn với nhau. Sau khi cơm đã nguội mới trộn với men được giã mịn và ủ trong vòng 03 ngày, tiếp đó, cơm được lấy ra trộn đều lẫn với nước rồi ủ lại thêm khoảng 07 ngày nữa mới đem nấu. Công đoạn nấu rượu cũng được thực hiện khá tỉ mỉ, tập trung giữ đều lửa thì chất lượng rượu mới cao. Rượu sau khi nấu xong tiếp tục được xử lý qua hệ thống lọc rồi mới đem đóng chai. Với số lượng 8 lon gạo nấu chín thành cơm trộn đều 25g men thì có thể cho được khoảng 1,2 lít rượu thành phẩm.

Hiện nay, bằng cách làm mới, trung bình mỗi ngày HTX Làng nghề Tuy Lộc sản xuất được 200-300 lít rượu trong mùa đông và khoảng 100-150 lít về mùa hè để cung cấp cho nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, trong quy trình sản xuất tại Làng nghề còn có các công đoạn làm lắng, khử các chất độc hại được đưa vào áp dụng, đảm bảo cho sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn về bảo vệ sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện tại, làng Tuy Lộc có hơn 20 hộ gia đình với trên 30 lò sản xuất rượu ngày đêm đỏ lửa để cung cấp cho nhu cầu của người dân các vùng lân cận. Đến thăm các lò rượu sản xuất tại thôn Tuy Lộc mới biết được, để có sản phẩm rượu ngon, đảm bảo uy tín, chất lượng người làng nghề đã dồn bao công khó, cần mẫn làm lụng và nhất là cái tâm của người làm nghề được tiếp truyền từ bao thế hệ đến ngày hôm nay. Thiết nghĩ, việc bảo tồn, phát huy nghề nấu rượu truyền thống chính là vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vừa góp phần tạo thêm việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động nông thôn, gia tăng sản phẩm hàng hóa, đồng thời đóng góp thuế ở địa phương./.