OCOP Quảng Ninh gặt hái 'quả ngọt' nhờ học Nhật Bản và sáng tạo trong cách làm

Chương trình 'Mỗi xã, phường một sản phẩm' (OCOP) đã được Quảng Ninh thực hiện thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) đã khai mạc sáng 27/11 tại Hà Nội, với 500 đại biểu tại đầu cầu Hà Nội và 50-100 đại biểu tại đầu cầu mỗi địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương; đại diện đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế. Tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy và đại diện một số sở, ngành liên quan dự hội nghị.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra 3 hội thảo quốc tế liên quan đến phát triển nông nghiệp. Trong đó đại diện tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương đã tham gia chuyên đề 3 với chủ đề “Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Nội dung phát biểu tập trung về bài học đạt được từ việc triển khai chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) - chương trình kinh tế nông nghiệp mang dấu ấn sáng tạo của Quảng Ninh.

Chương trình 'Mỗi xã, phường một sản phẩm' (OCOP) của Quảng Ninh ra đời nhờ học hỏi kinh nghiệm từ phong trào 'Mỗi làng một sản phẩm' (OVOP) của nước bạn Nhật Bản. Với cách làm sáng tạo và sự quyết tâm từ phía lãnh đạo chính quyền địa phương, Chương trình đã được Quảng Ninh thực hiện thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Lấy Quảng Ninh làm hình mẫu, từ tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã Một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020” (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đoàn công tác của Quảng Ninh học tập kinh nghiệm triển khai phong trào OVOP tại Oita, Nhật Bản năm 2016. Ảnh Báo QN

Vì là mô hình lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, lại được chọn làm tỉnh thí điểm, chưa có tiền lệ về phương pháp luận, cơ chế chính sách, mô hình hiệu quả để học tập, ngay từ đầu Quảng Ninh đã cử những cán bộ chủ chốt dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OVOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi… Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức Đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan; nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình đã triển khai tại Việt Nam.

Cùng với đó, chương trình OCOP xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Do vậy, chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.

Miến dong Bình Liêu dự kiến là một trong 12 sản phẩm OCOP chủ lực của Quảng Ninh.

Với các giải pháp tích cực, sau 5 năm triển khai, toàn tỉnh đã phát triển được 294 sản phẩm OCOP, trong đó có 131 sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng. Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy.

Việc mua các sản phẩm OCOP cũng ngày càng dễ dàng hơn khi người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm ngay tại các trung tâm, điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại mỗi địa phương.

Hiện tổng số sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã lên 362 sản phẩm (nhóm thực phẩm 179, đồ uống 60, thảo dược 46, thủ công mỹ nghệ 7, dịch vụ 2); trong đó, 131 sản phẩm đã đạt sao (7 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, 68 sản phẩm đạt 3 sao). Có 145 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP; trong đó có 44 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã, 56 hộ sản xuất.

Doanh thu từ sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng cao, trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt trên 239 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận đạt 27,7 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2017; tạo việc làm cho 3.532 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/người/tháng.

Tỉnh Quảng Bình tham gia gian hàng trưng bày nông sản trong hội nghị Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ

Tỉnh Quảng Bình tham gia trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội chợ - Triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

Tỉnh Quảng Bình tham gia Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2022