Kinh nghiệm của Thái Lan trong triển khai Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”
Chìa khóa thành công của Chương trình Phát triển vùng nông thôn trong hơn một thập kỷ gần đây của Thái Lan là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (One Tambon One Product), gọi tắt là OTOP do nguyên Thủ tướng Thaksin Shinawatrakhởi xướng năm 2001 mà ông học từ Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (One village, One product Movement) của tỉnh Oita (Nhật Bản) nhằm khuyến khích phát triển kinh tế trong nước thông qua nhân tố phát triển con người, phát triển cộng đồng là chính trên nền tảng phát triển nền kinh tế cơ sở (xây dựng, phát triển và tái cấu trúc các hộ, nhóm, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã).
Mục tiêu tổng thể của OTOP ở Thái Lan là: Xây dựng xã, cộng đồng vững mạnh; phát triển tự lực của nhân dân; xây dựng gia đình hạnh phúc và có chất lượng. Cụ thể hơn là: Tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư; xây dựng xã, cộng đồng vững mạnh; phát triển trí tuệ, truyền thống địa phương; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và thúc đầy sự sáng tạo của cộng đồng.
Để triển khai OTOP, Chính phủ Thái Lan thành lập Ủy ban OTOP Quốc gia do Thủ tướng đứng đầu cùng với các bộ, ngành liên quan. Cơ quan điều hành do Phó Thủ tướng phụ trách và Cơ quan thường trực được giao cho Cục phát triển cộng đồng, Bộ Nội vụ đảm nhiệm. Hệ thống OTOP cấp Trung ương gồm các Ban (bộ phận): Maketing, thực phẩm và đồ uống, vải và may mặc, nội thất, trang trí và lưu niệm, thảo dược, tiểu ban OTOP vùng và tiểu ban OTOP cấp tỉnh. Ở cấp tỉnh và huyện có Ủy ban OTOP do Phó tỉnh, huyện trưởng phụ trách và có bộ phận giúp việc chuyên trách, tham gia ở cấp tỉnh và huyện đóng vai trò quan trọng là các cơ quan nghiên cứu như các trường đại học, viện nghiên cứu… Ngân sách cho OTOP gồm: Ngân sách Chính phủ, các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính và các quỹ của cộng đồng.
Để triển khai chương trình, Chính phủ dành thời gian năm đầu tiên (năm 2001) để thống nhất phân công nhiệm vụ các bộ, ngành. Năm thứ hai (2002) các bộ, ngành, cơ quan thường trực nghiên cứu, xây dựng quy trình, chu trình, cách thức triển khai OTOP. Nhiệm vụ chính của OTOP được đề ra là: Thúc đẩy và hỗ trợ sức mạnh của cộng đồng; phát triển sự hiểu biết và tư duy; xây dựng, tổ chức hệ thống quản lý sự sáng tạo của cộng đồng. Trên cơ sở đó các quy chuẩn, hệ thống của OTOP được xây dựng gồm: Maketing, hệ thống tiêu chuẩn, logistics, mạng lưới bán hàng, lao động, phát triển sản phẩm, nguyên liệu được thực hiện khép kín và có sự phối hợp chặt chẽ trong chuỗi sản xuất.
Nguyên tắc của OTOP được giữ vững theo nguyên tắc củaPhong trào “Mỗi làng, một sản phẩm” của Nhật Bản, là: Hành động tại địa phương nhưng tư duy hướng đến toàn cầu hóa; tự tin, sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực.
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc và hệ thống tổ chức đã được xây dựng, chương trình OTOP hàng năm được triển khai thực hiện theo chủ đề công tác trọng tâm theo chiều hướng phát triển tư duy, trình độ sản xuất và sự phát triển của chương trình.
Các sản phẩm của OTOP khi thi đạt giải được xếp hạng từ 1 đến 5 sao. Sản phẩm OTOP được chia làm 4 cấp: Sản phẩm có chất lượng cao (cấp A-Best, 5 sao) phục vụ cho xuất khẩu. Sản phẩm có chất lượng (cấp B-Identity) tiêu dùng nội địa. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn (cấp C-Standrad) tiêu dùng nội địa, hoặc trong vùng, trong tỉnh. Sản phẩm chất lượng thấp (cấp D-Develop, từ 1-2 sao) cần tiếp tục nghiên cứu phát triển. Như vậy, nhà sản xuất không đi vào ngõ cụt mà tiếp tục có cơ hội nâng cấp phát triển sản phẩm của mình cho chu kỳ mới tiếp theo.
Định vị chính cho Chương trình OTOP là sản phẩm, do vậy mọi hoạt động đều hướng đến phát triển sản phẩm một cách hoàn thiện nhất, như: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, định vị sản phẩm, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm, maketing và bao bì đóng gói sản phẩm, đổi mới sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Qua quá trình phát triển từ những sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ truyền thống những năm đầu, đến nay, các sản phẩm OTOP được phát triển lên, bao gồm: Sản phẩm hàng hóa đa dạng từ nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đến sản phẩm công nghiệp; dịch vụ; địa điểm du lịch; văn hóa địa phương, lối sống (tập tục văn hóa) và truyền thống văn hóa. Để thương mại hóa sản phẩm, dịch vụChương trình OTOP được tổ chức xúc tiến thương mại từ hội chợ cấp trung ương, khu vực (bắc, trung, nam), cấp tỉnh,hội trại thanh niên OTOP, hội thi OTOP làng, lễ hội làng du lịch OTOP… Các sản phẩm OTOP không chỉ được bày bán tại các địa điểm bán hàng truyền thống mà còn được đưa vào cả trụ sở hành chính các cấp, nhà ga, sân bay, các khách sạn, nhà hàng... tạo nên tổng thể cả xã hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm OTOP.
Chỉ tính riêng trong năm 2012, đã có 36.092 nhà sản xuất (11.204 hộ, 24.327 nhóm hộ và 561 doanh nghiệp, HTX) tạo ra 71.739 sản phẩm thuộc các lĩnh vực. Trong đó, thực phẩm 18.400, đồ uống 2.465, vải và may mặc 17.196, nội thất, trang trí và lưu niệm 25.813 và thảo dược 7.865 sản phẩm. Nếu như năm 2001, giá trị bán hàng của các sản phẩm đạt 8 triệu USD, thì đến năm 2008 đạt 2.590 triệu USD và đến nay đạt trên 2.600 triệu USD, đóng góp tích cực vào tổng thu nội địa khu vực nông thôn.
Qua hơn 12 năm hoạt động, yếu tố thành công của chương trình OTOP của Thái Lan được rút ra là: Nguồn lực xã hội và trí tuệ nhóm, địa phương; cam kết của Chính phủ được thể hiện bằng chương trình nghị sự, chính sách, ngân sách chính thức; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan; sự tham gia của nhân dân, cộng đồng; chính sách nhất quán và tập trung cho phát triển kinh tế cơ sở (phát triển HTX và doanh nghiệp, hộ sản xuất); bộ máy thực hiện chương trình đầy đủ và có đủ thẩm quyền; sự hiểu biết cơ bản về phát triển sản phẩm;thương hiệu OTOP.
Điều quan trọng nhất là: Coi sản phẩm là trung tâm cốt lõi, trong đó chú trọng việc thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm; chương trình đào tạo cho lãnh đạo và nhân viên của doanh nghiệp, HTX; thiết kế website bán hàng và ứng dụng công nghệ; ứng dụng KHCN trong nghiên cứu phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.
Để có sự thành công của Chương trình OTOP, ngoài vai trò chính về chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ Thái Lan là sự vào cuộc tích cực với tư duy sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu, sự chịu khó học hỏi, tiếp cận kinh tế thị trường, hợp tác sản xuất của người dân, của chủ doanh nghiệp, HTX. Chương trình OTOP ở Thái Lan đã và đang có vai trò quan trọng, là mấu chốt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn và đóng góp tích cực cho phát triển ngành dịch vụ, du lịch của Thái Lan hiện nay