Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2021
Thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, sau hơn 03 năm triển khai trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra ảnh hưởng tích cực, tính lan tỏa trong các cơ sở sản xuất ở địa phương. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 64/59 sản phẩm được tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 57 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh (56 sản phẩm đạt 3 sao, 01 sản phẩm đạt 4 sao). Các địa phương đã xác định được những sản phẩm chủ lực, có lợi thế để tập trung phát triển. Sản phẩm tham gia chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện nâng cấp và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như bao bì, mẫu mã.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền ở cấp huyện chưa được đẩy mạnh, kinh phí triển khai Đề án OCOP ở cấp huyện còn ít; việc nắm bắt và triển khai của chủ thể kinh tế còn gặp khó khăn; việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị của cơ sở còn hạn chế, chỉ số ít các cơ sở thực hiện liên kết chuỗi; chất lượng sản phẩm chưa cao, một số sản phẩm mới sản xuất nên quy mô, số lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; khả năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm đang còn yếu, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ nhỏ lẻ, liên kết tiêu thụ trong và ngoài tỉnh chưa chặt chẽ…
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP năm 2021, ngày 17/5/2021, UBND tỉnh đã có Công văn số 780/UBND-KT yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai các nội dung tại Quyết định số 3989/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 683/VPUBND-KT ngày 09/3/2021 về tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP năm 2021.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người dân và chủ thể kinh tế hiểu được mục đích, ý nghĩa khi tham gia Chương trình; xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai Chương trình OCOP ở cấp huyện, phấn đấu trong năm 2021 mỗi huyện, thị xã, thành phố có thêm 03 - 05 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; khẩn trương triển khai thực hiện chu trình OCOP theo 06 bước đã được quy định tại Quyết định số 3989/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nộp và lựa chọn kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại, trong đó cần tập trung vào những sản phẩm đặc trưng, mang tính truyền thống của quê hương, vùng miền, có lợi thế để phát triển.
Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở cấp huyện theo quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 12/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng đến công tác tập huấn cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở cấp huyện để rà soát, thống nhất cách thức chấm điểm cho một số tiêu chí khó đánh giá như câu chuyện sản phẩm, tiêu chí về cảm quan... nhằm đánh giá đúng thực chất tiềm năng của sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở cấp tỉnh; bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ các chủ thể kinh tế đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, thiết kế bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng website cơ sở; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phân công trách nhiệm cán bộ theo dõi, phụ trách Chương trình OCOP ở cấp huyện; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ tham gia quản lý, thực hiện Chương trình OCOP cấp huyện, xã nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, các địa phương cần chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể sản xuất trên địa bàn thực hiện một số nội dung như: Đối với sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP, sớm hình thành các tổ chức kinh tế để huy động nguồn lực đầu tư mở rộng phát triển sản xuất; thực hiện liên kết sản xuất nhằm hình thành các vùng nguyên liệu; thiết kế và xây dựng công cụ quảng bá sản phẩm; tự công bố chất lượng sản phẩm theo quy định và có phiếu phân tích đầy đủ chỉ tiêu theo yêu cầu của sản phẩm; chú trọng thiết kế bao bì, nhãn mác, ghi nhãn sản phẩm theo đúng Nghị định số 43/2017/TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc như mã số, mã vạch hoặc tem truy xuất điện tử (QR code). Đối với sản phẩm đã tham gia và đang hoàn thành các tiêu chí đạt sao, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp thông qua hoạt động đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm máy móc, thiết bị vào khâu sơ chế, chế biến nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm, tạo ra sản phẩm có chất lượng; thực hiện tái cơ cấu lại tổ chức kinh tế, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chú trọng cải tiến bao bì, nhãn mác của sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm theo đúng quy định; quan tâm tiếp thị, quảng bá sản phẩm, sớm hình thành đại lý phân phối, tiêu thụ sản phẩm; bổ sung, hoàn thiện các phiếu phân tích chỉ tiêu theo yêu cầu của sản phẩm. Đối với sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 03 sao trở lên cần thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình sản xuất tốt; nâng cao khả năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm thông qua việc kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường tiềm năng, đại lý tiêu dùng lớn trong nước; thành lập bộ phận kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng để nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, phấn đấu tăng hạng sao và đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu sản phẩm.