Mộc mỹ nghệ
Huyện Quảng NinhQuảng Bình

Quảng Bình là tỉnh có nhiều làng nghề với nhiều loại nghề, trong đó nghề chạm gỗ khá đặc biệt, với nhiều làng nghề nổi tiếng như Trúc Ly, Văn La (huyện Quảng Ninh), Hòa Ninh (huyện Quảng Trạch)... Riêng ở Đồng Hới, nghề chạm gỗ tập trung ở làng Diêm Điền (nay thuộc phường Đức Ninh Đông) và làng giáo Tam Tòa.

Ở Diêm Điền xưa có cụ Bùi Khúc là nghệ nhân chạm gỗ nổi tiếng nhất. Cụ học nghề ở Huế rồi về quê làm nghề. Cụ đã chạm nhiều tác phẩm đẹp cho cung đình Huế, cho nên được vua nhà Nguyễn mời vào kinh đô chạm trổ cho cung điện của vua và ban hàm Cửu phẩm, dân thường gọi là "Cửu Khúc". Cụ có làm một chiếc hộp chạm trổ đẹp được triều đình đem đi triển lãm ở Paris (Pháp). Cụ còn được làng suy tôn là Ông tổ nghề mộc làng Diêm Điền. Cụ đã đào tạo được một số học trò trong đó có con trai cụ là Bùi Kế, Bùi Thỏn và các cháu ngoại Hoàng Mậu Quế, Hoàng Mậu Huế, Hoàng Văn Toàn, Hoàng Đào cũng là thợ chạm giỏi... Nói chung nghề chạm khắc gỗ của làng Diêm Điền rất tinh xảo, điêu luyện với các chi tiết hoa văn, phong cảnh cây cối, chim chóc, rồng phượng,... rất sống động, các tác phẩm khảm trai, khảm xà cừ cũng rất tuyệt.

Làng công giáo Tam Tòa xưa (nay là phường Đồng Mỹ vì giáo dân đã chuyển vào nam sau Hiệp định Genève tháng 8/1954), cũng có nghề chạm gỗ khá nổi tiếng. Nguồn gốc họ giáo Tam Tòa là giáo dân của họ giáo Sáo Bùn ở khu vực Cầu Ngắn (nay thuộc phường Phú Hải). Vùng đất Tam Tòa không phải là tên đất của xóm giáo này mà là của làng Lệ Mỹ,  dân sống du cư trên sông Nhật Lệ.

Nơi đây có ba miếu thờ (ba tòa) ba vị Thánh mẫu là Cửu Thiên Huyền Nữ, Liễu Hạnh Công Chúa và Huyền Trân Công Chúa, gọi là "Tam Tòa Thánh Mẫu", được vua Minh Mạng cho dựng năm 1821 nên mới gọi là "Tam Tòa". Năm 1886, họ giáo Sáo Bùn (còn gọi là xóm Lũy) xin chính quyền đương thời cho phép họ chuyển về định cư ở làng Lệ Mỹ tức là Tam Tòa, được chính quyền đồng ý và gọi là làng Tam Tòa.

Các tác phẩm của nghề chạm Tam Tòa là các loại tủ chè, tủ thờ, khay trà, các loại rương, hộp, tráp,... với các loại gỗ là dạ hương, gõ (gụ), huê mộc là những loại gỗ quý, chạm đẹp. Trong ba thứ gỗ thì gõ là loại được khách hàng ưa chuộng nhất vì để lâu nó "lên nước", đen bóng đều rất đẹp, điều mà dạ hương, huê mộc không có được. Hình thức chạm là chạm nổi, các vật thể như lọ hoa, bông hoa, lá, hoa văn khác rất tinh vi, sống động. Tiêu biểu nhất của nghề chạm Tam Tòa còn được giữ lại là bàn thờ của nhà thờ Tam Tòa, được chạm khắc năm 1902, hiện nay vẫn còn ở nhà thờ Tam Tòa ở thành phố Đà Nẵng. Một tác phẩm khác là chiếc hộp đựng trầu, thuốc, kỷ vật mà nhà ông Lại Kim Lân ở thôn Trung Bính đang cất giữ.

Ngày xưa, nghề chạm Tam Tòa chỉ có một "mô típ" cổ truyền là "cổ đồ" và "bát bửu", tức là "đồ cổ" và "tám thứ quý", sau đó thị hiếu thay đổi, họ làm theo các "mô típ" do khách hàng yêu cầu, thường là các "mô típ" theo các câu chuyện cổ như Tam Quốc chí, Tây Du ký, Đông Chu Liệt Quốc,... Các sản phẩm của nghề chạm Tam Tòa không chỉ được dân địa phương ưa thích mà còn được xuất ngoại qua Thái Lan, Pháp, Nhật, Canada...

Xưởng chạm Đồng Hới ở phường Đồng Đình (nay thuộc phường Hải Đình) do bà Lơ-gốt, người Pháp mở ra đã thu hút nhiều nghệ nhân Diêm Điền, Tam Tòa, Văn La, Trúc Ly. Các sản phẩm của xưởng này được đưa vào Sài Gòn, Pháp và một số nước khác tiêu thụ.

Ở làng Thuận Lý xưa (nay là hai phường Nam Lý và Bắc Lý) cũng có một số người làm nghề chạm gỗ, trong đó có các ông Nguyễn Công Tư, Nguyễn Lương Cần,... cũng là những thợ giỏi.

Làng Văn La xưa cũng có nhiều nghệ nhân chạm gỗ, giỏi nhất là ông Lê Bá Chậu và một vài người khác. Thời đó, nghề chạm gỗ của làng Văn La rất phát triển, có cả một xóm làm nghề. Ông Lê Bá Chậu đã đào tạo nhiều thợ chạm cho làng và trong vùng, trong đó có ông áng ở làng Trúc Ly. Các tác phẩm chạm của làng Văn La được đem bán nhiều nơi như Đồng Hới, Huế, Pháp. Tuy nhiên, hiện nay nghề chạm của Văn La cũng bị mai một do hoàn cảnh thay đổi.

Làng Trúc Ly xưa cũng có một số nghệ nhân làm mộc giỏi. Đó là các ông Miễn Kỳ, Miễn Rụ, Miễn Yêm (Miễn là người được miễn làm phu phen, tạp dịch, miễn thuế đinh vì làm các công trình, tác phẩm đẹp cho triều đình), Trần Thế,... Các thợ chạm giỏi là ông áng, ông Châm, ông Tâm, ông á, ông Văn,... Đặc biệt, ông áng có biệt tài là nhìn người mà chạm chân dung giống như vẽ truyền thần. Ông có bức chạm Hồ Chủ tịch trên đường đi công tác trong kháng chiến rất sinh động. Ông rất yêu nghề, đã đào tạo một số học trò nghề chạm. Các tác phẩm chạm của làng Trúc Ly được bày bán ở Đồng Hới và đưa qua Pháp. Các thợ chạm của làng cũng đi làm ăn ở Huế, Đồng Hới. Với tài nghệ tuyệt vời của ông áng, năm 1967, ông được cử đi tham quan ở Trung Quốc.

Các loại gỗ dùng để chạm là gõ, huê mộc, dạ hương. Hiện nay, do cơ chế thay đổi và các nghệ nhân già đã mất, thợ trẻ tay nghề không giỏi nên bị cạnh tranh làm cho nghề chạm gỗ của làng Trúc Ly bị mai một, chỉ còn lại rất ít thợ và việc làm cũng ít. Một số nơi có các thợ chạm ngoài Bắc vào, tay nghề khá hơn.

Ở làng Hòa Ninh, xã Quảng Hòa cũng phát triển nghề chạm gỗ. Trước đây có các thợ giỏi là Đặng Phụng, Đặng Đoài, Hoàng Minh Hộ,... Các tác phẩm của làng Hòa Ninh không thua kém gì các tác phẩm của Đồng Hới và cũng được đem đi các nơi để bán. Khác với các nơi khác, hiện nay ở Hòa Ninh, nghề chạm gỗ vẫn phát triển khá tốt, có nhiều người đặt hàng, sản phẩm được tiêu thụ nhiều. Các thợ giỏi là Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Văn Liên,... Các chất liệu gỗ chạm cũng là gõ, huê mộc, còn dạ hương thì hiếm, phải nhập từ Lào...

Nghề chạm gỗ Quảng Bình là một nét văn hóa đặc sắc. Tỉnh cần có kế hoạch, biện pháp khuyến khích các địa phương có làng nghề bảo tồn và phát huy nét văn hóa đáng quý đó.