Cá lồng
Huyện Bố TrạchQuảng Bình

Qua thống kê, năm 2017, toàn tỉnh có gần 3.000 lồng nuôi tập trung ở các huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn… Các loại cá được nuôi chủ yếu là cá truyền thống như: trắm, chép, rô phi, diêu hồng… cho đến các loại đặc sản như cá chẽm, cá dìa, cá lăng, cá chình… Ưu điểm nổi bật của nuôi cá lồng là tiết kiệm được diện tích mặt nước, ngoài ra do lưu lượng nước thay đổi liên tục, hàm lượng ôxy cao nên cá lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, lại dễ chăm sóc, quản lý và thu hoạch, nên cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi cá ở ao hồ tự nhiên.
Anh Trần Văn Thắng, một hộ dân nuôi cá lồng trên sông Gianh, thuộc địa bàn xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi làm nghề đánh bắt cá, chủ yếu là khai thác các loại đặc sản, những năm gần đây, nguồn khai thác tự nhiên cũng dần suy giảm, tôi quyết định đầu tư nuôi cá lồng. Ban đầu vì vốn ít, tôi chỉ làm 4 lồng, chịu khó vừa làm vừa tìm tòi, học hỏi kỹ thuật. Cuối vụ thu hoạch, trừ các chi phí, gia đình tôi cũng lãi được 20–30 triệu đồng. Từ đó, tôi mạnh dạn đầu tư thêm, đến nay gia đình đã có 10 lồng nuôi, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 600- 800kg cá/lồng”
Cũng theo anh Thắng, thị trường hiện nay ngày càng ưa chuộng cá trắm cỏ cỡ lớn (trên 3kg/con) nên năm vừa rồi anh chưa thu hoạch mà gối vụ, kéo dài vụ nuôi. Tùy theo loại cá mà nuôi 1 năm 1 lứa hoặc 2 năm 1 lứa nhưng theo anh, các loại cá nuôi lồng đều có đầu ra khá ổn định.
Mặc dù nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa đã chứng tỏ được những hiệu quả kinh tế rõ ràng đem lại cho người nuôi, nhưng cũng phải đối mặt nhiều thách thức trong suốt quá trình phát triển. Để xây dựng được một lồng nuôi cá, tiền mua vật tư, con giống, thức ăn… bà con nông dân phải đầu tư lên đến vài chục triệu đồng. Nếu cá sinh trưởng, phát triển tốt, không bị bệnh, cộng với giá bán cao thì lãi nhiều; nhưng nếu giá bán thấp, người nuôi sẽ không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp. 
Nuôi cá lồng là nuôi trong hệ sinh thái hở, trong đó tác động qua lại giữa lồng nuôi và môi trường xung quanh hầu như không bị một hạn chế nào, do đó nếu có dịch bệnh xảy ra thì khả năng lây lan là rất lớn. Vào mùa mưa lũ, nước sông bị nhiễm ngọt hay nhiễm mặn đột ngột có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nuôi, thậm chí gây chết hàng loạt, nếu bà con không cẩn thận thì lũ có thể cuốn trôi lồng cá, mất cả vốn lẫn lãi.
Hơn nữa, việc phát triển nghề nuôi cá lồng chưa thành vùng chuyên canh tập trung, nhiều nơi người dân nuôi lồng ồ ạt và tự phát nên chưa tạo được tính ổn định. Nhiều người nuôi chưa nắm rõ kỹ thuật, chủ yếu nuôi theo hình thức thả tự nhiên, thiếu sự chăm sóc, thiếu sự quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh dẫn đến năng suất nuôi không cao.
Để khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng, tỉnh ta cần phải có giải pháp quy hoạch vùng nuôi cụ thể, đồng thời hỗ trợ thêm những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nuôi lồng; khuyến khích người dân nuôi theo quy hoạch, tránh tình trạng tự phát gây ảnh hưởng xấu đến tự nhiên. Các địa phương cũng cần thành lập HTX nuôi trồng thủy sản để giúp các hộ nuôi cá lồng có sự liên kết với nhau, cùng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm, cùng tìm kiếm đầu ra, ổn định giá cả. Hy vọng rằng, với sự chung tay của hỗ trợ của các cấp ban ngành, nghề nuôi cá lồng ở tỉnh ta sẽ phát triển hơn và ngày càng bền vững.